no comments

Hôn nhân cận huyết thống khiến thế hệ sau phải “gánh chịu” những gì?

Hôn nhân cận huyết thống hiểu đơn giản là hôn nhân giữa những người có cùng dòng máu trực hệ trong một gia đình hoặc một gia tộc. Thực tế, hôn nhân cận huyết đã tồn tại từ rất lâu đời.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến các mối quan hệ hoặc hôn nhân cận huyết? Nguy cơ hệ lụy đối với thế hệ sau là gì? Pháp luật xử lý vấn đề này ra sao? Bài viết sau của Phúc Nguyên Đường sẽ tổng hợp thông tin giúp bạn trả lời những câu hỏi này.

Hôn nhân cận huyết thống là gì?

Hôn nhân cận huyết thống được hiểu đơn giản là hôn nhân giữa những người có cùng dòng máu trực hệ trong một gia đình hoặc một gia tộc.

Theo định nghĩa chi tiết và đầy đủ hơn của Luật Hôn nhân Gia đình thì có thể hiểu hôn nhân cận huyết thống là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời, giữa cha mẹ nuôi với con nuôi, giữa người từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Song song đó, định nghĩa thế nào là cùng dòng máu trực hệ và thế nào là người có họ trong phạm vi ba đời thì Luật hôn nhân gia đình 2014 cũng có quy định:

  • Theo Khoản 17 Điều 3: “Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống. Trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp với nhau”.
  • Theo Khoản 18 Điều 3: “Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra, gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em, con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba”.

Nguyên nhân con người lựa chọn hôn nhân cận huyết thống

Hôn nhân cận huyết thống là dạng hôn nhân đã có từ thời xa xưa, con người lựa chọn mối quan hệ này vì nhiều lý do, thường đến từ văn hóa xã hội là chính. Từ thời phong kiến, hoàng thất hoặc các gia tộc lớn thường lựa chọn hôn nhân cận huyết thống để ngôi vị, quyền thống trị và của cải không rơi vào tay người ngoài.

Xem Ngay  Covid-19 có lây khi đi bơi không?

Ngày nay, các cộng đồng còn duy trì hôn nhân cận huyết thống thường là những dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu vùng xa. Nguyên nhân thường là vì:

  • Trình độ dân trí của họ còn thấp, chưa nhận thức được nguy cơ hệ lụy của hôn nhân cận huyết
  • Văn hóa, tập tục của những dân tộc thiểu số còn lạc hậu, kinh tế khó khăn
  • Điều kiện giao thông ở vùng núi, vùng sâu vùng xa thường hiểm trở, không thuận lợi khiến người dân nơi đây khó gặp gỡ người ở làng khác hoặc vùng khác. Vì vậy, họ thường chọn kết hôn với người trong gia đình hoặc gia tộc.

Về mặt tư tưởng, một số người ưa thích hôn nhân cận huyết thống vì cho rằng kết hôn với người trong gia đình, họ hàng thì có thể giúp mối quan hệ ổn định lâu dài, dễ chung sống với nhau hơn. Người ta còn tin rằng cuộc hôn nhân cận huyết còn giảm bớt áp lực cho mối quan hệ giữa mẹ chồng với nàng dâu. Qua đó thì những người phụ nữ trong gia đình có thể dễ dàng giúp đỡ nhau khi cần thiết.

Không những vậy, họ còn cho rằng kết hôn với anh chị em trong gia đình, họ hàng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để truyền tải và duy trì văn hóa của cả gia tộc. Đối với những gia đình giàu có thì hôn nhân cận huyết sẽ giúp họ bảo toàn được tài sản, của cải để không rơi vào tay người ngoài.

Một vài trường hợp ngoại lệ khác vô tình dẫn đến hôn nhân cận huyết có thể là do anh chị em trong gia đình nảy sinh tình cảm với nhau một cách tự nhiên. Ngoài ra, một trường hợp hiếm hơn là trong gia đình, họ hàng có thành viên bị thất lạc bên ngoài nhiều năm. Sau đó, khi anh chị em vô tình gặp lại nhau, có tình cảm và muốn kết hôn thì có thể dẫn đến hôn nhân cận huyết mà họ không biết.

Xem Ngay  6 yếu tố khiến bạn đau tim khi xem "Hãy Trao Cho Anh" - Sơn Tùng MTP

Hôn nhân cận huyết thống gây ra những hậu quả nào?

Về mặt văn hóa xã hội, người ta thường chỉ thấy được lợi ích của hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, về mặt sinh học thì hôn nhân cận huyết sẽ tạo điều kiện cho các bệnh lý di truyền bởi gene lặn trên nhiễm sắc thể phát triển, bộc lộ ở các thế hệ sau nếu những người đó được sinh ra từ cha mẹ cùng huyết thống. Những vấn đề sức khỏe hoặc bệnh lý này thường bao gồm:

  • Dị tật bẩm sinh do rối loạn di truyền
  • Khiếm thính sớm
  • Suy giảm thị lực sớm
  • Chậm phát triển trí tuệ hoặc khuyết tật gây ảnh hưởng đến khả năng học tập, lao động
  • Chậm phát triển hoặc không phát triển về thể chất
  • Rối loạn máu di truyền
  • Động kinh
  • Một vài bệnh nghiêm trọng khác chưa được chẩn đoán
  • Một số trường hợp mang thai do mối quan hệ cận huyết có thể dẫn đến sảy thai hoặc thai chết lưu.

Khi nói về hệ lụy của hôn nhân cận huyết thống, chia sẻ trên trang Dân trí, PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương khuyến cáo “Mắc những bệnh di truyền này rất nguy hiểm, có thể là những bệnh liên quan đến trí tuệ con người, huyết học, ung thư… Hôn nhân cận huyết là điều kiêng kỵ, phải loại bỏ, bởi để lại nhiều hệ lụy ở thế hệ trẻ em sinh ra từ cặp vợ chồng cận huyết.

Điều nguy hiểm hơn, về mặt hình thái, những em bé này có thể hoàn toàn bình thường, nhưng các bệnh lý chuyển hóa, bệnh lý di truyền có thể tiềm ẩn hoặc biểu hiện ở thế hệ sau của các em bé này. Vì thế, ngay lúc đầu, người ta không nhìn ra được sự nguy hại của hôn nhân, loạn luân sinh ra các em bé cận huyết”.

Cũng theo đó, PGS Cường lấy dẫn chứng điển hình căn bệnh Thalassemia rất phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi mà hôn nhân cận huyết thường xảy ra. Bệnh Thalassemia là do tan máu di truyền với triệu chứng nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời. Nếu không căn bệnh này sẽ khiến họ chậm phát triển, giảm khả năng học tập, lao động…

Xem Ngay  Vệ sinh mũi họng mùa COVID-19 như thế nào là đúng cách?

Hôn nhân cận huyết thống được pháp luật quy định cụ thể ra sao? Xử lý thế nào?

Hiện nay, hôn nhân cận huyết thống không chỉ bị xã hội lên án, không được khoa học khuyến khích mà pháp luật cũng đã có quy định rõ ràng về xử phạt hành vi loạn luân. Trong đó:

Xử phạt hành chính

Khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020 quy định: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời”.

Xử lý hình sự

Đối với hành vi cưỡng ép người khác kết hôn, Điều 181 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm”.

Điều 184 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội loạn luân: “Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha thì bị phạt tù từ 01 đến 05 năm”.

Có thể nói, hôn nhân cận huyết tuy là vấn đề xã hội nhưng có mối liên hệ mật thiết đến sức khỏe của cả một cộng đồng nên luôn cần được khai trừ, loại bỏ. Theo thông tin cảnh báo từ ngành y tế, hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dân số, làm suy giảm giống nòi. Những cặp đôi kết hôn cận huyết thống dù khỏe mạnh nhưng có thể sinh ra những đứa con bị dị dạng hoặc bệnh tật di truyền như: Bệnh mù màu (không phân biệt được màu xanh, màu đỏ); bệnh bạch tạng, da vẩy cá; bệnh tan máu bẩm sinh…

Trả lời